Cẩn thận với bệnh vì nắng nóng

(25-04-2016 11:33 AM) - Lượt xem: 1132

Cẩn thận với bệnh vì nắng nóng

Mùa hè nóng bức ra mồ hôi nhiều khiến cơ thể mất nước, mất điện giải. Tuy nhiên không phải cứ uống nhiều nước là tốt, người bị suy tim mà uống nhiều thì suy càng nặng hơn.

Miền Nam đang trải qua đợt nắng nóng oi bức trong nhiều tháng nay, nhiệt độ trung bình nhiều nơi đã lên đến 38 độ C, thậm chí là 40 độ C. Thời tiết nắng nóng đã gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là người già, trẻ em. Theo ghi nhận tại các bệnh viện (BV) lớn ở TP HCM, số người đến khám bệnh đã tăng so với ngày thường khoảng 10%, trong đó chủ yếu là trẻ em và người lớn tuổi.

ThS-BS Âu Thanh Tùng, Trưởng Khoa Khám bệnh BV Đại học Y Dược TP HCM, cho biết, trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận trên 5.000 bệnh nhân, ngày đầu tuần khoảng 5.700 - 5.800 người. Vào thời điểm nắng nóng, số bệnh nhân đến khám tăng 10% so với bình thường và tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo bác sĩ Tùng, nhóm bệnh tăng thường gặp trong mùa này tập trung vào những người cao tuổi mắc bệnh mạn tính, huyết áp, tim mạch. Riêng bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, đột quỵ dao động từ 150-180 ca mỗi ngày và vẫn đang tăng lên.

Chính vì vậy, mà việc uống nước hợp lý sinh hoạt điều độ rất quan trọng. Bác sĩ Đồng Văn Thành, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: Nhiệt độ cao khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu, nguy hiểm hơn là việc ra mồ hồi nhiều dẫn đến mất nước, mất điện giải gây ra các rối loạn nhịp tim, rất nguy hiểm. Dấu hiệu mất điện giải là mệt mỏi, rối loạn nhịp, mất ý thức. Đặc biệt người 60, 70 tuổi trở lên, bệnh mạch vành chiếm đến 70-80%, cơ tim lúc nào cũng thiếu máu, kèm thêm mất điện giải thì có thể xuất hiện những cơn rối loạn nhịp tim, nếu không điều chỉnh sẽ dẫn đến cơn nhịp nhanh, rất nguy hiểm. Nó có thể khiến tim ngừng đập, làm bệnh mạch vành nặng lên, thậm chí dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột tử.

Theo bác sĩ, uống nước hợp lý trong mùa hè rất quan trọng. Bình thường khuyến cáo uống 1-1,5 lít nước, mùa hè thường phải gấp đôi, tùy vào cơ địa từng người. Lượng nước này không bắt buộc với ai, có người uống không ra mồ hôi. Uống nước đến ngưỡng thấy không hấp thụ được thì không nên tiếp tục.

 

Uống nước hợp lý cho mùa nóng.

 

Bệnh nhân suy tim mà uống nhiều nước làm tăng khối lượng tuần hoàn, sẽ bị suy nặng hơn. Vì thế, người suy tim nên khống chế lượng nước đầu vào, khi nào khát thì uống. Với bệnh nhân mạch vành, huyết áp thì vẫn uống nước như thường. Người không có bệnh tiểu đường thì uống sữa đậu nành, nước hoa quả.

Ở người già, các phản xạ đều giảm không như trẻ, phản xạ khát nước không còn, không phải ai cũng có cảm giác khát nước. Có người cả ngày chỉ uống vài chén nước chè rồi thôi. Vì thế, khuyến khích các cụ đong lượng nước cần uống vào một chai, ngày uống hết chai đấy là được.

Nếu phải lao động chân tay nặng nhọc trong thời tiết nắng nóng thì cần phải uống 4 cốc nước mát mỗi giờ. Không nên uống các loại chất lỏng chứa cồn hay quá nhiều chất đường, bởi chúng chỉ làm cơ thể thêm mất nước. Vitamin C không làm mát mà làm nóng người, chỉ tạo cảm giác, chưa có căn cứ khẳng định uống C vào làm mát. Thay vào đó người bệnh có thể uống linh chi, râu ngô, bông mã đề vừa mát lại vừa giúp lợi tiểu, bác sĩ Thành cho biết. 

Theo bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), có người cố uống 2 lít nước mỗi ngày vì có lợi, đỡ chuột rút, căng da. Tuy nhiên nếu không khát thì không uống vì khi cơ thể không dung nạp được có thể gây phù não, nhức đầu. Ngoài ra, duy trì tập thể dục rất quan trọng. Cần lưu ý tập sáng sớm, hoặc khi chiều muộn, trời mát. Người bệnh mãn tính phải uống thuốc đều, đặc biệt người già hay quên. Bên cạnh đó việc sử dụng quạt máy và điều hòa cũng phải khoa học. Nên tránh mở máy lạnh, quạt máy với công suất lớn cho người mới đi ngoài trời nắng, đỗ mồ hôi vào. Gió mạnh, khí lạnh phả vào người đang ướt mồ hôi hay sự thay đổi nhiệt độ đột ngột đều gây bệnh.

Mỹ Dung

 

 

Các tin liên quan: