Những món ăn ngày Tết độc đáo của các nước châu Á

(30-12-2015 03:12 PM) - Lượt xem: 1795

Cũng như Việt Nam, nhiều nước châu Á khác cũng đón Tết với những món ăn phong phú và mang những nét riêng biệt đặc trưng của mỗi quốc gia.

Với nhiều quốc gia châu Á, Tết là dịp để gia đình sum họp, quây quần sau một năm bận rộn. Thức ăn trong những ngày này ngoài việc an toàn, đủ dinh dưỡng, mọi người còn chú trọng tới văn hóa ẩm thực sao cho với những món ăn này phải hướng về cội nguồn. Nhiều quốc gia tin rằng, thức ăn còn thể hiện hy vọng và mong muốn một năm mới tốt đẹp, thành công. Cùng điểm qua một số món ăn truyền thống của các quốc gia châu Á trong dịp Tết.

1. Lào

Láng giềng của nước ta là nước Lào. Tết của Lào thường diễn ra muộn hơn, vào khoảng giữa tháng Tư dương lịch. Theo nhiều chuyên gia văn hóa Lào thì món Lạp được xem như là “linh hồn” của người Lào trong năm mới.

 

 

Món Lạp được xem như là “linh hồn” của người Lào trong năm mới.

 

Lạp có nghĩa là may mắn, phúc lộc dồi dào. Lạp có thể làm bằng thịt heo, gà, bò, chim hay cá… băm nhỏ trộn chung với các loại rau thơm, ớt cay thái nhỏ (loại gia vị truyền thống), nước cốt chanh và không thể thiếu thính nếp rang vàng. Người Lào thường dùng lạp kèm với xôi hoặc cơm nóng. Món này được làm rất cẩn thận, vì nếu không ngon, người ta tin rằng cả năm sẽ gặp điều không may.

Người Lào thường tặng nhau món Lạp thay lời chúc may mắn đầu năm. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều tài lộc...

2. Campuchia

Campuchia cũng ăn Tết vào khoảng giữa tháng Tư dương lịch hàng năm. Tết này gọi là Bon Chol Chnam. Trong ngày đầu năm mới, mỗi gia đình Campuchia đều mang thức ăn lên chùa để nhờ các nhà sư làm lễ cúng dâng lên tổ tiên. Sau đó, cả gia đình quây quần lại bên bàn ăn.Người dân Campuchia có thói quen ăn gạo tẻ và ăn nhiều cá hơn thịt, do vậy thường ăn kèm với món Cari.

 


Món Cà ri của Campuchia.

3. Hàn Quốc

Người dân Hàn Quốc quan niệm:Các món trong ngày Tết khi tự tay chế biến sẽ mang lại nhiều tài lộc hơn là đi mua, người dân Hàn Quốc thường tự làm các món ăn từ gạo và khoai tây trong đầu năm mới. Đặc biệt ăn kèm với món Kimchi, mang lại nhiều điềm lành và tài lộc.

 

 

Người dân Hàn Quốc thường tự làm các món ăn từ gạo và khoai tây trong đầu năm mới.

 

Món ăn truyền thống của người Hàn Quốc trong dịp Tết Nguyên đán là canh "Teok Guk" (gồm bánh Teok, nước xương bò hầm, thịt bò, hành hoa và gia vị). Bánh Teok màu trắng có hình bầu dục tượng trưng cho sự trọn vẹn và thanh khiết của vạn vật trên thế gian.

Ngoài ra, trên mâm cỗ của họ không thể thiếu rượu Balki sool. Ai cũng uống chút rượu này để lấy may mắn. Sau bữa ăn, mọi người thường uống Poricha, được làm từ trà pha chế với bột lúa mạch.

4. Nhật Bản

Không giống như các nước láng giềng khác ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam… Nhật Bản tổ chức đón năm mới theo dương lịch. Tuy nhiên, phong tục đón năm mới của người Nhật vẫn giữ được những nét truyền thống Á Đông điển hình.

 


Món ăn truyền thống ngày tết Nhật Bản.

 

Bàn ăn Tết của người Nhật không thể thiếu các món được chế biến từ đậu đen, cá và các loại hải sản. Theo quan niệm của người Nhật, khi ăn các loại thức ăn chế biến từ cá sẽ giúp cho con người năng động hơn, tâm trí sẽ sáng suốt trong công việc làm ăn.Ngoài các món trên, người Nhật thường ăn đồ ngọt làm bằng các nguyên liệu thông thường như rễ cây ngưu bàng, trứng cá, tảo ăn, khoai lang, hạt dẻ…

Tất cả những món ăn trong năm mới thường được bảo quản trong những chiếc hộp quét sơn đỏ. Hộp gói thức ăn càng đẹp bao nhiêu thì niềm hy vọng bội thu trong năm mới càng lớn bấy nhiêu.

5. Malaysia

Món ăn truyền thống nổi tiếng của Malaysia trong ngày tết là Yu Sheng. Đó là một loại gỏi với cá hồi sống và nhiều loại rau củ thái sợi như đu đủ, khoai môn, bưởi, gừng chua… Người ăn sẽ xới tung tất cả lên sao cho càng cao càng tốt, nhưng không được làm rơi ra ngoài và hét lohei (vừa có nghĩa là trộn đều, vừa có nghĩa là thịnh vượng) rồi trộn xốt vào và thưởng thức.

 


Món Yu Sheng ăn trong năm mới của người Malaysia.

 

Bên cạnh đó, người dân Malaysia thêm cá vào món Yu Sheng để cầu may mắn, thêm cà rốt để cầu cho phát đạt, thêm dưa leo cầu trẻ mãi không già, và thêm dầu lên trên các nguyên liệu với ngụ ý tăng may mắn, phát tài.

6. Trung Quốc

Đối với người Trung Quốc, bữa cơm đầu năm là bữa ăn quan trọng nhất. Trong dịp này, các thành viên trong gia đình đoàn tụ, các thế hệ sum vầy ấm áp. Họ không chỉ quây quần thăm viếng, chúc nhau một năm mới an lành mà còn cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống để cầu may mắn.

 


Sủi cảo là món ăn phổ biến ngày Tết của người Trung Quốc.

 

Trong bàn tiệc đầu năm của người Trung Quốc có rất nhiều những món ăn may mắn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cá và bánh bao. Hai món ăn này mang ý nghĩa của sự thịnh vượng, no ấm. Trong đó, từ “cá” phát âm theo tiếng Trung Quốc gần giống với từ “dư” trong “dư thừa”.

Bên cạnh đó, món mì trường thọ và bánh sủi cảo hình dáng giống quan tiền cũng được quan niệm là món ăn mang lại may mắn cho cả năm.

6. Mông cổ

Tết của người Mông Cổ gọi là Tsagaan Sar, cũng kéo dài từ ngày mồng 1 Âm lịch cho đến hết ngày mồng ba Âm lịch giống như tại Việt Nam hay Trung Quốc. Món ăn thường ngày không thể thiếu của người Mông Cổ là các loại bánh bột và sữa ngựa. Trong ngày Tết, chúng cũng hiện diện trong bữa ăn của họ nhưng được chăm chút hơn. Đó là những chiếc bánh bao nhân thịt cừu nóng hổi, uống cùng sữa ngựa lên men hoặc trà nóng. Mọi người cũng sẽ quây quần đón giao thừa trong không khí ấm cúng, cầu năm một năm sung túc, an lành.

 


Các loại bánh bột và sữa ngựa là món ăn không thể thiếu ở Mông Cổ những ngày đầu năm mới.

 

Mỗi quốc gia đều đón mừng năm mới với các món ẩm thực khác nhau, nhưng tất cả đều mong muốn được quây quần bên gia đình trong những ngày tết vàđón những điều may mắn thịnh vượng cho năm mới!

 Nguồn internet.

                                                                                                                                                                        Mỹ Dung Tổng hợp

 

Các tin liên quan: